CÁC NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY CỦA MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

CÁC NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY CỦA MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh  xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 106 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.
Ở Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra muộn nhưng tốc độ gia tăng nhanh. Tỷ số giới tính khi sinh đã có dấu hiệu gia tăng từ năm 1999, tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng và trở thành thách thức lớn với công tác dân số và nỗi lo lớn với các nhà hoạch định chính sách.
Kết quả các nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, có ba nhóm nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như sau:
Nhóm nguyên nhân cơ bản
Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hoá truyền thống, trong đó tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người và trở thành một phần của nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.
Nhóm nguyên nhân phụ trợ:
– Hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái, mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Người già vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.
– Do nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình. Ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động cơ bắp của nam giới. Chính vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình.
– Những chính sách giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới chưa thật thỏa đáng cũng góp phần thúc đẩy một số phụ nữ chủ động tìm kiếm các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.
– Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình qui mô nhỏ mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con cũng tạo áp lực giảm sinh. Trong khi đó, các cặp vợ chồng vừa mong muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Đây là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.
Nguyên nhân trực tiếp: 
Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh và áp dụng một số kỹ thuật sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính thai nhi, kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính (nếu là thai trai thì để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi).
Thực tế cho thấy, nhu cầu và mong muốn con trai của các cặp vợ chồng dù lớn đến đâu cũng chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của cán bộ y tế. Trong những năm qua, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng ở Việt Nam ngày càng tốt hơn. Trang thiết bị hiện đại, đội ngũ hành nghề y, dược trong và ngoài công lập có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao. Sự phát triển này, một mặt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người dân, mặt khác cũng làm nảy sinh tình trạng lạm dụng các kỹ thuật như siêu âm, phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính, tác động tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ở Việt Nam, Pháp lệnh Dân số đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tuy nhiên việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm.
Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh:
Nam giới khó kết hôn, kết hôn muộn, thậm chí là không thể kết hôn do không tìm được bạn đời dẫn đến phải tìm cô dâu là người nước ngoài. Trong khi việc kết hôn với người nước ngoài cũng có nhiều vấn đề nảy sinh như: khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ… sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đối với gia đình, phân biệt đối xử và mất bình đẳng giới;
Nam giới đến tuổi kết hôn nhưng không lấy được vợ vì thiếu phụ nữ, dễ dẫn đến gia tăng tội phạm về tình dục, lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ; tăng tệ nạn mại dâm, hiếp dâm phụ nữ… tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh xã hội, gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, do gia đình nhà chồng hoặc người chồng muốn có con trai, khi người vợ không sinh được con trai theo ý muốn, người chồng bỏ rơi hoặc ly dị vợ; gia đình chồng ép người chồng bỏ rơi vợ, hay cặp vợ chồng đẻ được con gái, cho con gái đi làm con nuôi…
Toàn thể nhân dân hãy nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh Dân số để góp phần làm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh!
Vương Thị Huyền